Văn học bồi đắp cho các em học sinh tình yêu cuộc sống, nhìn cuộc sống bằng con mắt “xanh non, biếc rờn”. Văn học còn giúp các em biết yêu thương người hơn, biết chia sẻ, cảm thông giống như M.Gorki từng nói “Văn học là nhân học”. Song văn học ở mỗi thời kì lại có những đặc điểm riêng. Văn học phát triển đòi hỏi phương pháp dạy học Ngữ văn cũng phải được đổi mới. Đã có nhiều phương pháp đổi mới trong cách tiếp nhận tác phẩm văn học. Có người đi từ phương pháp khai thác nội dung để rút ra những nét nghệ thuật trong tác phẩm. Có người lại chú ý khám phá tầng sâu ý nghĩa tác phẩm, nhưng thực tế trong dạy học Ngữ văn hiện nay, thi pháp tác giả và thi pháp tác phẩm vẫn chưa thực sự được quan tâm, chú ý. Trong số bao nhà thơ, nhà văn, Tố Hữu được coi là cây đại thụ lớn nhất của nền văn học. Các tác phẩm của ông được đưa vào chương trình nhà trường cũng không ít, rải rác từ các lớp Tiểu học qua bài thơ Lượm, đến THCS rồi THPT với một loạt thi phẩm Từ ấy, Bác ơi!... Đặc biệt Việt Bắc là một bài thơ đã cuốn hút bao người yêu thơ chứ không chỉ giới học trò. Tuy nhiên, bài thơ quá dài trong chương trình Ngữ văn lớp12 chỉ lược trích 90 câu của phần đầu bài thơ.
Vậy mà việc dạy học đoạn trích Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu vẫn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi khao khát muốn khám phá cái hay cái đẹp qua đoạn trích. Vì thế, chúng tôi tiến hành những nghiên cứu đề tài Vận dụng thi pháp tác phẩm vào việc đọc hiểu đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu (Ngữ văn 12, Tập 1). Với đề tài này, chúng tôi muốn tìm ra cách dạy thích hợp mang tính khoa học và nghệ thuật để nâng cao hiệu quả một giờ giảng dạy Ngữ văn giúp học sinh biết cách cảm thụ văn chương, yêu môn Ngữ văn hơn.