Trong quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy bộ môn hóa học tôi thấy: môn hóa học trong trường phổ thông là môn khó, kiến thức rộng, nếu không vận dụng những phương pháp hợp lí, phù hợp với thế hệ học trò hiện nay thì dễ làm cho học sinh thụ động trong việc tiếp thu, cảm nhận. Phương pháp thực hành thí nghiệm giúp học sinh làm quen với những tính chất, mối liên hệ và quan hệ có tính qui luật giữa các đối tượng nghiên cứu, giúp làm cơ sở để nắm vững các qui luật, các khái niệm khoa học . Thí nghiệm giữ vai trò đặc biệt quan trọng như một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy – học hóa học. Vì vậy khuynh hướng chung của việc cải cách bộ môn hoá học ở trong nước và trên thế giới là tăng tỉ lệ giờ cho các thí nghiệm và nâng cao chất lượng các bài thí nghiệm.
Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy, bài tập hoá học thực nghiệm là một trong số loại bài tập có tác dụng củng cố lí thuyết, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo thực hành, có ý nghĩa lớn trong việc gắn liền lí thuyết và thực hành. Loại bài tập này vừa mang tính chất lí thuyết và tính chất thực hành. Mối quan hệ hữu cơ giữa lí thuyết và thực hành được thể hiện rõ khi giải loại bài tập này. Muốn giải được loại bài tập này học sinh cần nắm vững lí thuyết, vận dụng lí thuyết để vạch phương án giải quyết và vận dụng những kĩ năng kĩ xảo thực hành để thực hiện phương án đã vạch ra. Hơn nữa, hiện nay trong các đề THPT quốc gia hàng năm đều có câu hỏi thực nghiệm.
Nội dung chương trình sách giáo khoa hoá học 10 ban cơ bản và nâng cao đã đưa những thí nghiệm bằng hình vẽ và có thêm tiết thực hành, nhưng số lượng thí nghiệm học sinh được làm và theo dõi từ thầy cô giáo làm còn hạn chế, nên việc hình thành kĩ năng thực hành thí nghiệm cũng hạn chế: ví dụ như cách thu khí, thực hiện phản ứng giữa chất khí và chất rắn...
Bài tập phân hoá - nêu vấn đề là loại bài tập kết hợp hai yếu tố: phân hoá và nêu vấn đề trong dạy học nhằm đạt được các mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học trong giai đoạn hiện nay là đảm bảo tính vừa sức, sát đối tượng trong giáo dục vừa phát huy tính tích cực trong học tập, hình thành và phát triển năng lực của học sinh
Từ thực tiễn khách quan, từ nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, từ thực tế giảng dạy của bản thân, tôi đã mạnh dạn viết đề tài sáng kiến kinh nghiệm: "Gắn lý thuyết với thực hành thông qua bài tập hóa học thực nghiệm theo hướng phân hóa - nêu vấn đề".