“Robertson Davies từng nói: “ Người viết văn giống như mèo, bởi họ là những sinh vật kín đáo, dễ thương và thông thái”. Thú thật, là người được xem như có tố chất văn nhưng lại chưa bao giờ tôi thấy mình có những đặc điểm nêu trên ấy. Bởi lẽ, tôi luôn tự thắc mắc “Rốt cuộc thì tố chất văn trong tôi ở đâu? Có bao giờ bạn tự cho rằng tính cách của mình không phù hợp để học văn? Nếu tiếp xúc với tôi thì nhận xét đầu tiên có lẽ là khá ồn ào, bản thân tôi cũng tự thấy mình thuộc kiểu nghĩ gì nói đấy, bộc phát và đôi khi “bốc đồng“ luôn ý. Nhưng cũng có lúc tôi trở nên quá ư nhạy cảm với những gì diễn ra xung quanh mình: Một câu nói, một ánh mắt... hay bất cứ gì khác thường dù chỉ nhỏ thôi, nhưng tôi cũng tự ôm vào mình và “sầu riêng”. Thế nên, sau những gì đã được trải nghiệm, tôi nhận ra rằng: Để có một tâm hồn đồng điệu với văn, trái tim nhạy cảm là điều kiện cần và sự tinh tế là điều kiện đủ.
Quá trình đến với văn của tôi đi từ học đến hiểu. Trong suốt những năm cấp II, khi được cô chọn vào đội tuyển ôn thi HSG, tôi khá thích thú nhưng lại học như một sự ép buộc. Ngoài nghị luận xã hội (NLXH) thì nghị luận văn học (NLVH) hầu như là cô đọc trò chép, nên đi thi học thuộc là chủ yếu. Tôi cảm thấy mình giống một con vẹt và không hiểu bản chất. Cộng thêm sự lười sẵn có nên đi thi hầu như tôi chỉ được công nhận học sinh giỏi mà chẳng được xếp giải gì. Sang đến cấp III, tôi vẫn chỉ học và cảm nhận sơ sơ chứ chưa hiểu được một bài thi HSG nên làm những gì để đạt yêu cầu. Lớp 10, tôi không được chọn vì không căn đủ thời gian làm bài. Lớp 11, tôi được giải khuyến khích cụm Hà Đông- Hoài Đức. Lần thi này tôi nhớ mãi vì là, lúc qua được vòng loại để đi thi tôi đặt ra mục tiêu phải được một vé để lên 12 đi thi thành phố (theo cơ chế cũ 2 học sinh đạt thành tích cao nhất đi thi HSG thành phố) nhưng khi biết kết quả chỉ đứng thứ 3 nên sầu mãi luôn. Đến hè thì hay tin đổi qui chế chọn học sinh giỏi thi thành phố, ai có năng lực sẽ tiếp tục được tham gia vong loại. Lòng rạo rực hân hoan cho đây là cơ hội cuối cùng và nắm bắt khá tốt, nên Tôi đã được chọn đi thi Thành Phố. Sau bao ngày tháng học nhiều, nghĩ nhiều, vất vả nhiều, áp lực nhiều thì cuối cùng cũng được giải Nhì thành phố 16, 5/20 điểm, chỉ thiếu 0,5 điểm nữa là đạt Giải Nhất, với tôi cũng chưa được thật mĩ mãn, (điều này làm Cô Hương tiếc mãi....). Trong lần thi vừa rồi, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm và thực sự hiểu những điều cần thiết khi ôn thi HSG:
1. Mục đích: Khi làm việc gì, trước hết bạn cần xác định mục đích và tìm cảm hứng để có thể quyết tâm làm điều mình muốn
2. Chăm chỉ, cần cù:
- Đi học đầy đủ các buổi ôn luyện, làm tất cả các yêu cầu của cô giáo.
- Chịu khó tự tìm tài liệu và tổng hợp kiến thức qua Internet hoặc sách vở. Theo tôi thì các bạn nên đọc luận văn về các tác giả, tác phẩm để chọn lọc kiến thức cho mình. Bên cạnh đó, những lời trích dẫn, nhận định văn học, châm ngôn sống, kiến thức, hiện tượng xã hội là những yếu tố giúp bài làm thêm sinh động và hấp dẫn. (Hồi ôn toàn phải đọc luận văn mấy trăm trang chỉ để lấy vài dòng)
- Chăm viết, chăm sáng tạo: Thông qua mỗi lần viết thì lại vỡ ra nhiều điều và hình thành phong cách viết của riêng mình. Cách viết truyền thống theo những bài văn mẫu dường như không còn hiệu quả và khó đạt điểm cao.
3. Hiểu
- Học cách hiểu bản chất mọi vấn đề dù là trong văn học hay trong cuộc sống. Đầu tiên là cần hiểu đề. Học thuộc để viết không hẳn là sai nhưng nó chỉ nên làm nền bởi chỉ khi thực sự hiểu kiến thức mình dung nạp chúng ta mới có thể thăng hoa trong lúc viết mà không cần phụ thuộc vào khuôn mẫu. Cô tôi dạy nên hiểu, thấm tất cả những gì nhỏ nhặt nhất có trong tác phẩm, vì đã xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật thì đều có ý nghĩa.
- Hiểu sâu sắc phương pháp làm bài dù là NLXH hay NLVH. Học văn không chỉ đơn thuần là viết mà nó còn đòi hỏi sự chính xác. Ở đây, tôi nói đến sự chính xác trong cách làm bài và cách đưa kiến thức vào bài làm.
+ Với bài NLXH, việc chúng ta đưa ra ý kiến cá nhân (không nên gay gắt) theo nhiều chiều về vấn đề nghị luận là cách làm khá ăn điểm. Khi làm bài không thể thiếu dẫn chứng (nên lấy dẫn chứng thực tế ở thời điểm thực tại)
+ Với bài NLVH, lí luận văn học là yếu tố cần để giúp bài viết thêm sâu sắc. Có thể hình dung lí luận văn học như ngọn hải đăng, nếu hải đăng soi sáng giúp thuyền không bị lạc phương hường thì lí luận giúp ta làm sáng rõ vấn đề. Ở dạng bài này, nhiều bạn thường mắc phải và tôi cũng đã từng gặp đó là khi đọc đề xong sẽ đi phân tích tác phẩm từ đầu đến cuối mà không có điểm nhấn, không có trọng tâm. “Điểm- diện- lướt-xoáy” có lẽ là phương châm hay nhất để dứt điểm vấn đề này. Chi tiết là linh hồn của tác phẩm, là phương tiện để tác giả thể hiện chủ đề tư tưởng, vậy nên khi làm cần đi từ chi tiết đến khái quát rộng ra cả tác phẩm.
4. Cá tính
Quan trọng nhất, trong bài thi HSG cái mà người chấm quan tâm nhất là cá tính của người viết. Trong văn học không có chỗ cho những điều giả tạo, điều tốt nhất ta có thể viết là con người của chính mình.
Như một mối duyên hạnh ngộ, bình thường có thể tôi nói không thích nhưng có lẽ, văn chọn tôi và tôi cũng vậy.
Trên đây là những kinh nghiệm nhỏ của tôi để đạt Giải Cao trong kì thi học sinh Giỏi, chúc các em sẽ khẳng định mình một cách xuất sắc nhất trong kì thi Olimpic cụm Hà Đông - Hoài Đức để không phụ công lao chỉ bảo tận tình và kì vọng của các thầy cô! …