Thực tế gần đây đã xảy ra nhiều vụ giáo viên sử dụng các biện pháp giáo dục, mang tính trực phạt học sinh gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không tốt về thân thể và tinh thần học sinh, làm ảnh hưởng mối quan hệ thầy trò và làm giảm chất lượng giáo dục cũng như góp phần dẫn đến việc học sinh bỏ học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: Từ phía gia đình, từ phía xã hội, từ bản thân các em học sinh .... Song không thể phủ nhận là có một phần nguyên nhân từ phía giáo viên. Thực trạng trên xảy ra là do một bộ phận giáo viên chưa nắm chắc và triệt để áp dụng các phương pháp giáo dục học sinh tích cực, phi bạo lực. Nhiều người trong số đó cho rằng, sử dụng trừng phạt học sinh là phương pháp duy nhất để giáo dục học sinh, đặc biệt là những học sinh mắc lỗi, và ngoài trừng phạt thì không có biện pháp nào hiệu quả hơn. Vì thế, họ thường không biết kìm chế sự nóng giận của mình. Việc nâng cao nhận thức, tăng cường chia sẻ và áp dụng các phương pháp giáo dục, phi bao lực đối với học sinh – đặc biệt đối với các em có vấn đề về mặt hành vi, thường xuyên mắc lỗi – là vô cùng cần thiết
Xã hội ngày càng phát triển, ngày càng nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cá nhân, của ban ngành và toàn thể xã hội. Việc dạy dỗ học sinh hiện nay cũng gặp nhiều trở ngại, thách thức hơn trước kia khi các em tỏ ra nhanh nhạy và dễ dàng tiếp cận các thông tin tích cực trên mạng và từ ngoài xã hội, các em trở nên mạnh dạn, tự tin và hiểu biết hơn. Song, cũng nhiều em dễ dàng tiếp cận những luồng văn hóa tiêu cực và trở nên bướng bỉnh, khó bảo hơn. Việc giáo dục, dạy dỗ các em đối với thầy cô giáo hiện nay không những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn mà còn cả nhân cách đạo đức và kĩ năng sư phạm nhuần nhuyễn.
Con người khi mới sinh ra bản chất vốn là trong sáng như tờ giấy trắng nhưng về sau do ảnh hưởng của giáo dục và môi trường sống cùng sự phấn đấu, rèn luyện nỗ lực của mỗi cá nhân mà hình thành những con người thiện, ác khác nhau. Để xã hội có được những công dân tốt trong tương lai, nhiệm vụ của nhà trường THPT là Giáo dục - Đào tạo học sinh trở thành lớp người có nhân cách, có tri thức, có ích cho gia đình, cho đất nước. Là một giáo viên làm công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ tìm tòi và tự hỏi làm thế nào, có biện pháp gì để giúp các em giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách để hoàn thiện chính mình, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ học tập mà các em và gia đình đã mong mỏi.
Từ những lý do trên, tôi đã sử dụng: "Biện pháp tâm lý, chia sẻ nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh trong công tác chủ nhiệm" ở lớp chủ nhiệm để khơi gợi những đực tính tốt có sẵn trong bản thân các em, giúp các em bộc lộ, phát triển những đức tính tích cực, trở thành con ngoan, trò giỏi.